Logo

Đồng bằng sông Cửu Long: Một năm nhộn nhịp các dự án cao tốc

image
image

Đồng bằng sông Cửu Long: Một năm nhộn nhịp các dự án cao tốc

Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, chừng 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại, nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại có hạ tầng giao thông, gồm cả đường cao tốc, hết sức khiêm tốn...

Đồng bằng sông Cửu Long, một năm nhộn nhịp các dự án cao tốc.

Sự mất cân bằng và trái ngược nói trên đang từng bước được tháo gỡ. Nhiều dự án giao thông kết nối, dự án cao tốc trong khu vực đã và đang được triển khai, hay chuẩn bị triển khai, sẽ giúp khai thông “điểm nghẽn” về hạ tầng ở vùng này.

“VÙNG TRŨNG” CAO TỐC

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, còn được gọi là “vựa nông sản” cả nước, là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây trĩu trái, rừng nước lợ, rừng ngập mặn rộng lớn, với bốn khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận...

Mặc dù vậy, vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem là “vùng trũng”, “khu vực trũng” về nhiều mặt, như: tăng trưởng kinh tế, đời sống sinh kế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực…

Các ý kiến phân tích và nhận định đều cho rằng đó là do chưa phát huy và khai thác đúng tiềm năng và lợi thế tự nhiên của khu vực, đời sống người dân nói chung còn khó khăn.

Tuy nhiên, một trong các nguyên nhân sâu xa, theo các chuyên gia, là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn.

Thống kê cho thấy, trong tổng số 1.239 km đường cao tốc hiện có của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến nay mới hoàn thành khoảng 150 km đường bộ cao tốc, chiếm chưa tới 12%.

Trong đó, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận kéo dài hàng chục năm trời, chỉ mới khánh thành vào ngày 27/4/2022 sau khi thay đổi cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền và chủ đầu tư; và dự án đưa vào sử dụng nhưng không có làn dừng khẩn cấp...

MỤC TIÊU 760 KM ĐƯỜNG CAO TỐC VÀO NĂM 2030

TS. Dương Như Hùng, Giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, đã chỉ ra: Chiều dài các loại đường của một quốc gia phụ thuộc vào diện tích, mật độ dân số, GDP đầu người... Khi GDP đầu người tăng 2% thì thông thường đường cao tốc tăng thêm 1%.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau hàng chục năm trời thi công, đã đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào cuối tháng 4/2022.

Theo tính toán này, TS. Dương Như Hùng cho rằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 1.263 km đường cao tốc, vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 1.900 km. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay cả nước chỉ có trên 1.000 km đường cao tốc, còn kém xa so với mức trung bình thế giới.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 1 phát hành ngày 2-1-2023