Thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Tp.HCM- Thủ Dầu Một – Chơn Thành hơn 17.000 tỉ đồng

Tin tức

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc TP.HCM – Chơn Thành nối TP.HCM với Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại, có tổng chiều dài khoảng 70 km, gồm hai hợp phần là TP.HCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

 

Như vậy, gần 7 tháng kể từ khi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư một đoạn của dự án cao tốc TP.HCM – Chơn Thành qua Bình Dương theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào tháng 5/2023, vừa qua tại kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X đã thông qua nghị quyết về chủ trường đầu tư dự án này.

 

Ngày 15/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị đầu tư đoạn Thủ Dầu Một – Chơn Thành dài khoảng 45 km theo phương thức PPP. Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng đã chấp thuận bằng văn bản giao Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư đề xuất dự án để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

 

Tại kỳ họp thứ 13 - kỳ họp cuối năm, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Cụ thể, dự án sẽ được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT có tổng chiều dài tuyến khoảng 45,747 km, vận tốc thiết kế 100 km/h, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.408 tỷ đồng bao gồm lãi vay.

 

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án 8.530,11 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, và hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 246 tỷ đồng); vốn huy động từ nhà đầu tư là 8.878,28 tỷ đồng (70% vốn vay ngân hàng, 30% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư). Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2027.

 

Công trình dự kiến nhu cầu sử dụng đất khoảng 322,5 ha. Trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án giải phóng mặt bằng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) gồm hai đoạn. Đoạn từ đường Vành đai 3 Tp.HCM đến cầu Khánh Vân dài khoảng 7,7 km hiện giữ nguyên hiện trạng do đã được đầu tư thuộc dự án đường tỉnh 743 và đường tỉnh 747B, tổng chiều rộng mặt nền từ 36 – 38 m.

 

Đoạn còn lại từ cầu Khánh Vân đến Chơn Thành (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương dài 45,6 km và đoạn qua tỉnh Bình Phước dài 7,1 km) được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện với quy mô hoàn thiện có lộ giới 60 m. Và một đoạn đường gom dọc tuyến dài khoảng 9 km.

Theo Nhịp Sống Thị Trường 

Chia sẻ: