Logo

Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư để phát triển KCN trong 1 ngày

image
image

Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư để phát triển KCN trong 1 ngày

Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Long An cho biết, theo quy định tại Nghị định 35, việc cấp chủ trương đầu tư cho khu công nghiệp mở rộng cần 60 ngày, nhưng địa phương này hoàn thành quy trình chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình này kéo dài hơn một năm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp

Long An: Cấp giấy chứng nhận đầu tư mở rộng KCN trong một ngày, nếu doanh nghiệp đủ uy tín - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh Long An. Ảnh: Nhà Đầu Tư

Trao đổi tại Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam do tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức sáng nay (11/8), ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh Long An cho biết theo quy định của Nghị định 35, việc cấp chủ trương đầu tư cho KCN mở rộng mất 60 ngày. Ở Long An, việc này mất một ngày, nếu doanh nghiệp đủ uy tín. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình này kéo dài hơn một năm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Thanh chia sẻ, để làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, các khu công nghiệp sẽ nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay vì nộp cho địa phương như trước đây. Bộ sẽ tham khảo ý kiến các cơ quan liên quan (khoảng 8-9 bộ, ngành), địa phương giải trình, chủ đầu tư giải trình cùng nhiều vấn đề khiến dự án kéo dài một hoặc trên một năm.

Long An có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.285 ha (chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung khu vực phía Nam - PV). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung 35 khu công nghiệp với tổng diện tích 11.945 ha vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam, còn 2 KCN nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Long An với tổng diện tích 340 ha.

Long An đã đền bù giải phóng mặt bằng được 7.121 ha, đạt 70% so với tổng diện tích đất các khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo ông Thanh, quỹ đất sạch của Long An phục vụ KCN còn trên 2.500 ha đủ điều kiện kêu gọi đầu tư 800 ha. Phần quỹ đất còn lại nằm trong diện xúc tiến kêu gọi đầu tư. Thế mạnh của Long An là công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng công nghiệp ít sử dụng lao động và thân thiện môi trường. Long An có vị trí thuận lợi gần Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều cửa khẩu, cảng biển cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, điều kiện kết nối giao thông và đồng bộ cơ sở hạ tầng khiến nơi đây trở thành một địa điểm lý tưởng.

Tuy nhiên, nền đất địa phương còn yếu nên suất đầu tư cao, giá cho thuê lại, đầu tư thứ cấp cao nên việc kêu gọi đầu tư vào Long An gặp khó khăn. Song, ông Thanh cho rằng các doanh nghiệp đã đầu tư vào địa phương lân cận nhiều nên Long An vẫn có nhiều cơ hội thu hút đầu tư.

Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư vào các khu công nghiệp liên quan đến quy hoạch, khảo sát, hiện trạng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về vốn và kinh nghiệm.

Trong quá trình lập hồ sơ xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan đến đất đai, quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư phải chuẩn bị tốt hồ sơ năng lực tài chính, hồ sơ dự án để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý có liên quan, đặc biệt nội dung liên quan đất đai. Với các dự án KCN thì quan trọng việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng, các tài sản công trình công cộng. Do đó, việc thực hiện dự án hạ tầng KCN mất nhiều thời gian….

Trong tương lai, các giai đoạn quy hoạch tỉnh, điều tra và khảo sát xây dựng sẽ được thực hiện trước khi lập hồ sơ dự án KCN, từ đó rút ngắn thời gian chuẩn bị cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định luật đã bỏ quy hoạch KCN, đưa vào quy hoạch tỉnh, góp phần giảm bớt thời gian cho nhà đầu tư.